SỞ THÍCH CỦA BẠN LÀ GÌ?

(Chơi game, nghe nhạc hay xem phim?)

Sắp tới, những bạn xét tuyển ĐH-CĐ bằng phương thức điểm thi THPTQG sẽ có một thời gian để suy nghĩ và điều chỉnh nguyện vọng của mình. Mỗi nguyện vọng được tạo thành từ rất nhiều yếu tố: học lực, điểm mạnh, điều kiện, quan hệ gia đình, trường học, vị trí địa lý và một tiêu chí quan trọng không thể bỏ qua là sở thích. Trong thời gian đăng ký nguyện vọng, mình đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với mục tiêu để biết được bạn bè mình đăng ký những nguyện vọng gì. Kết quả cũng không quá đa dạng vì tập đối tượng khá hẹp. Nhưng mình nhận ra một điều là rất nhiều người không biết, không chắc chắn sẽ chọn ngành gì, trường gì cũng không biết và không chắc chắn mình thích gì, giỏi gì. Vì vậy, trong mấy ngày ngắn ngủi trước khi thay đổi nguyện vọng này, mình muốn chia sẻ một vài thứ mình biết để mọi người có thể có một cái nhìn rõ ràng hơn về sở thích của bản thân và phần nào hỗ trợ hay củng cố cho các thay đổi nguyện vọng sau kỳ thi THPTQG.

I. VAI TRÒ CỦA SỞ THÍCH

Có thể nói biết được sở thích của mình là một bước quan trọng để xây dựng sự tự nhận thức ( self-awareness). Xét cho cùng thì người ở lại với bạn đến cuối đời cũng chỉ có bản thân bạn, có chăng bạn cũng nên hiểu mình hơn một chút từ giờ thì cũng chưa muộn. Sau khi hiểu hơn về bản thân, bạn sẽ nhận được những lợi ích mình đã trải nghiệm:

  1. Hình thành một danh tính đặc sắc, riêng biệt.
  2. Có chủ đề để nói chuyện với những người có chung sở thích: khi bạn hiểu rõ mình, bạn sẽ dần dần xác định được những vòng tròn quan tâm và ảnh hưởng, cùng đó là xây dựng các mối quan hệ đã được chọn lọc một cách thường xuyên và sâu sắc hơn.
  3. Xây dựng cuộc sống tinh thần cân bằng và ổn định: "If you do what you love, you'll never work a day in your life." - Marc Anthony. Tạm dịch: Nếu bạn làm những gì bạn thích thì bạn không phải làm việc một ngày nào trong đời cả. Biết mình thích gì và tích hợp, định hướng nó vào công việc sẽ giúp những giờ làm việc không còn nhàm chán hoặc nếu có thì bạn cũng biết nên làm gì để trở về một bản thân nhiều năng lượng hơn.
  4. Sử dụng thời gian tối ưu: dành thời gian làm những thứ mình thích, với những người mình muốn ở bên thay vì tốn thì giờ cho những việc không phù hợp. Cụ thể trong thời gian này đó là việc chọn ngành, chọn trường. Nếu không biết mình thích gì thì làm sao có thể chọn được một ngành học phù hợp và theo đến cùng.

II. DỪNG LẠI VÀ NGHĨ

Bây giờ mình muốn bạn dừng lại một chút và suy nghĩ về những sở thích của mình, ghi nó ra giấy hay bất cứ ứng dụng soạn thảo nào. Bạn đã làm xong chưa? Nếu chưa thì hãy dành ra chút thời gian nữa nhé. Khi đã hoàn thành, hãy nhìn vào danh sách của bạn, liệu ngoài nghe nhạc, xem phim, chơi game, ngủ, ăn uống, thì điều gì làm bạn khác biệt? Nhiều người bạn của mình khi chưa xác định được ngành nghề muốn theo đuổi thì khi mình hỏi về sở thích cá nhân của họ, câu trả lời ban đầu vẫn là "không biết". Nhưng nếu bỏ chút thời gian quan sát và nói cho họ biết về những gì mình nghĩ về họ, về những gì họ có vẻ thích, dường như những đầu mối đã dần được hé mở. Có người thích xe hơi, tìm hiểu về sức khỏe, tính toán với những con số, có người lại thích thiên nhiên cây cỏ, thích ca hát, văn chương, đọc sách, chạy bộ, bơi lội, make-up, chụp ảnh,... Điều mình nhận thấy là khi được hỏi "sở thích của bạn là gì", người ta mặc định câu trả lời là "chơi game, nghe nhạc, xem phim". Vì tư duy sẵn có, gắn chặt như vậy nên khi thật sự nghiêm túc nghĩ về mình, về những thứ mình đã làm, đang làm và sẽ làm, người ta dường như bị trói chặt trong một dòng suy nghĩ không lối ra và cũng không muốn tìm lối ra vì sự an toàn của việc thuộc nhóm đa số. Để giải quyết vấn đề này và rất nhiều vấn đề khác nữa, ta cần đặt (nhiều) câu hỏi và chọn (nhiều) góc nhìn khác để trả lời.